Author Archives: Phòng Thị trường và Dịch vụ khách hàng

  • -

BỮA CƠM CÔNG ĐOÀN – KẾT NỐI ĐOÀN VIÊN, CHIA SẺ YÊU THƯƠNG

“Bữa cơm Công đoàn” là hoạt động thiết thực khẳng định trách nhiệm, sự quan tâm của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động.

Thực hiện kế hoạch số 17/KH-TLĐ ngày 05/02/2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024) và thực hiện Hướng dẫn số 04/HD-LĐLĐ ngày 08/7/2024 của Công đoàn Viên chức thành phố Đà Nẵng về việc Tổ chức “Bữa cơm Công đoàn”.

Được sự đồng ý của Đảng Ủy và Ban Giám đốc, trưa ngày 30/8/2024 Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (Trung tâm Kỹ thuật 2) tổ chức “Bữa cơm Công đoàn” tại trụ sở 02 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Ông Dương Quang Hân – Chủ tịch Công đoàn phát biểu

Ông Dương Quang Hân – Chủ tịch Công đoàn cho biết “Bữa cơm Công đoàn” hôm nay đã có gần 130 viên chức và người lao động là đoàn viên công đoàn tham dự.

“Bữa cơm Công đoàn” tổ chức là dịp để viên chức, người lao động chia sẻ, tâm tình tạo nên bầu không khí đoàn kết, thấu hiểu. Qua đó, tạo dựng niềm tin, sự gắn bó của đoàn viên, người lao động của Trung tâm Kỹ thuật 2.

Theo chia sẻ của nhiều đoàn viên, người lao động, đến với “Bữa cơm Công đoàn” lần này vui như tham gia ngày hội. Viên chức, người lao động được thưởng thức bữa cơm trong không khí thân tình, đoàn kết, yêu thương và cảm nhận được sự quan tâm của tổ chức công đoàn.

Trong không khí sôi nổi và ấm cúng, mỗi món ăn không chỉ đơn thuần là thực phẩm, mà còn là biểu tượng của sự chia sẻ và thấu hiểu giữa các đoàn viên công đoàn. “Bữa cơm Công đoàn” không chỉ là một bữa ăn, mà là một thông điệp mạnh mẽ về gắn kết đồng nghiệp, chia sẻ yêu thương.

Chương trình “Bữa cơm Công đoàn” là hoạt động thiết thực khẳng định trách nhiệm, sự quan tâm của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo cho đoàn viên, người lao động từ những nhu cầu cụ thể thường ngày. Qua chương trình, nhằm xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa đoàn viên với tổ chức công đoàn và giữa người lao động với người sử dụng lao động. Đồng thời giúp viên chức, người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với tổ chức công đoàn.

Một số hình ảnh của chương trình “Bữa cơm Công đoàn”


  • -

THÔNG BÁO NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 2/9

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 trân trọng thông báo lịch nghỉ Lễ Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2024), như sau:

📢 Thời gian nghỉ lễ: Từ ngày 31/8/2024 – 03/9/2024
📢 Thời gian làm việc trở lại: Thứ Tư, ngày 04/9/2024


Kính chúc Quý Khách hàng và Đối tác kỳ nghỉ lễ vui vẻ và an toàn!


  • -

DỊCH VỤ KIỂM KÊ VÀ BÁO CÁO KHÍ NHÀ KÍNH THEO TIÊU CHUẨN ISO 14064-1:2018

Với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề phát thải khí nhà kính. Giảm thiểu phát thải khí nhà kính trở thành nhiệm vụ cấp bách không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn cầu. Do đó, việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai.

1. KHÍ NHÀ KÍNH LÀ GÌ?

Khí nhà kính (Greenhouse Gas – GHG) bao gồm các thành phần khí trong khí quyển, được tạo ra từ cả các nguồn tự nhiên lẫn hoạt động của con người, có khả năng hấp thụ và phát xạ bức xạ hồng ngoại tại các bước sóng cụ thể phát ra từ bề mặt Trái đất, khí quyển và các đám mây. 

 

Phạm vi phát thải Khí Nhà Kính

2. KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH LÀ GÌ?

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về “Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn” định nghĩa:

“Kiểm kê khí nhà kính (KNK) là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.”

3. VÌ SAO PHẢI KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH?

  • Hoàn thành nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước về quản lý môi trường; 
  • Chủ động nắm bắt được tình hình phát thải của doanh nghiệp; 
  • Chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm phát thải trong tương lai, hạn chế rủi ro liên quan đến việc phát thải khí nhà kính vượt tiêu chuẩn; 
  • Tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm liên quan tới biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; 
  • Nâng cao hình ảnh và vị thế của doanh nghiệp.

4. CƠ SỞ PHÁP LÝ THỰC HIỆN KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH

  • Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn;
  • Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

5. ĐỐI TƯỢNG KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH

Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg (ngày 13/08/2024) ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024, bao gồm:

  • Danh mục lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Phụ lục I;
  • Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành công thương tại Phụ lục II;
  • Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành giao thông vận tải tại Phụ lục III;
  • Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành xây dựng tại Phụ lục IV;
  • Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành tài nguyên và môi trường tại Phụ lục V.

Danh mục lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê KNK

Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê KNK gồm:

6. LỢI ÍCH CỦA VIỆC KIỂM KÊ KNK

  • Đáp ứng yêu cầu của luật – Luật môi trường năm 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn việc kiểm kê KNK (Quyết định 13/2024/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK; Nghị định 06/2022/NĐ-CP – quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn)
  • Thể hiện cam kết giảm thiểu phát thải KNK, bảo vệ môi trường của Doanh nghiệp
  • Đáp ứng yêu cầu của khách hàng và các bên quan tâm về môi trường – một trong các yêu cầu của họ là doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê KNK, giảm thiểu phát thải KNK, bảo vệ môi trường

7. TIÊU CHUẨN 14064-1:2018

QUATEST 2 thực hiện kiểm kê, báo cáo và xây dựng các hoạt động giảm thiểu, tăng cường loại bỏ KNK theo Tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018. Tiêu chuẩn này cung cấp các nguyên tắc và các yêu cầu cho việc định lượng, quan trắc, báo cáo và thẩm định hoặc kiểm định các phát thải hoặc loại KNK ở cấp cơ sở.

Lợi ích áp dụng ISO 14064-1:2018

  • Xác định các cơ hội giảm phát thải và tăng lợi nhuận bằng cách giảm tiêu thụ năng lượng;
  • Quản lý rủi ro và cơ hội: rủi ro khí hậu, tài chính, danh tiếng;
  • Các sáng kiến KNK;
  • Thị trường KNK;
  • Các báo cáo, chương trình của quốc gia.

8. DỊCH VỤ KIỂM KÊ KNK THEO TIÊU CHUẨN 14064-1:2018

Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp tại Việt Nam bắt buộc phải kiểm kê KNK và đáp ứng hạn ngạch phát thải theo yêu cầu của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Để giúp doanh nghiệp thực hiện kiểm kê KNK theo yêu cầu của pháp luật – QUATEST 2 cung cấp dịch vụ tư vấn kiểm kê KNK theo quy trình kỹ thuật bao gồm:

  • Xác định phạm vi kiểm kê KNK cấp cơ sở.
  • Thu thập số liệu hoạt động kiểm kê KNK cấp cơ sở.
  • Lựa chọn hệ số phát thải KNK cấp cơ sở.
  • Xác định phương pháp kiểm kê KNK cấp cơ sở.
  • Thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm kê KNK cấp cơ sở.
  • Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê KNK cấp cơ sở.
  • Tính toán lại kết quả kiểm kê KNK cấp cơ sở.
  • Xây dựng Báo cáo kết quả kiểm kê KNK cấp cơ sở.

QUATEST 2 hỗ trợ doanh nghiệp xác định mức độ tác động và phạm vi phát thải, thực hiện đo lường và lập báo cáo về việc giảm dấu vết carbon trong quá trình sản xuất và kinh doanh, giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp lý và tiêu chuẩn môi trường quốc gia lẫn quốc tế.

QUATEST2 còn cung cấp các kiến nghị dựa trên hiện trạng và mục tiêu của doanh nghiệp để đạt được kết quả tối ưu. Bằng việc thực hiện đúng quy định và công khai nỗ lực bảo vệ môi trường, doanh nghiệp sẽ nâng cao uy tín trong mắt khách hàng, đối tác và cộng đồng.

Trong bối cảnh quy định ngày càng nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, việc thực hiện kiểm kê KNK không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ hành tinh của chúng ta. Với sự đồng hành của QUATEST 2, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian tập trung vào chuyên môn sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy phát triển bền vững.

9. LỜI KẾT

Bài viết trên đây đã giới thiệu khá chi tiết về các tiêu chuẩn báo cáo kiểm kê khí nhà kính. QUATEST 2 hi vọng những kiến thức này sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện kiểm kê, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Thông tin liên hệ tư vấn:

Trung tâm Kỹ thuật 2 – Phòng Thị trường và Dịch vụ khách hàng

Điện thoại: 0236 2621068

Email: tt@quatest2.gov.vn (gặp bà Lê Thị Thanh Minh – 0905 163 274).


  • -

HỘI THẢO KHOA HỌC “GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA GIAI ĐOẠN 2021 – 2030”

Sáng ngày 09/8/2024, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tổ chức hội thảo “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030” tại Đà Nẵng. Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tham dự Hội thảo, có TS. Ngô Quý Việt, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình 1322; ông Quách Thạch Thi – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn quản lý và phát triển doanh nghiệp Á Châu (AHEAD); ông Nguyễn Thành Trí – Giám sát kiểm soát chất lượng Chi nhánh Công ty TNHH MTV CADIVI Đồng Nai – CADIVI Đà Nẵng;  ông Tôn Ngọc Hà – Phụ trách Hệ thống quản lý – công cụ Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi;  ông Vũ Huy Bình – Trưởng Ban Chuyển đổi số kiêm Trưởng phòng Kinh doanh Kho Công ty Logistics Cảng Đà Nẵng. Bên cạnh đó, dự Hội thảo còn có sự tham gia gần 100 đại biểu đến từ một số cơ quan nghiên cứu và các tổ chức khác.

 

Hình ảnh toàn cảnh Hội thảo

TS. Ngô Quý Việt, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình 1322 phát biểu khai mạc Hội thảo

Sau lời phát biểu khai mạc, các đại biểu nghe bài tham luận với chủ đề “Áp dụng các tiêu chuẩn kiểm kê khí nhà kính và dấu vết carbon”, ông Quách Thạch Thi đã trình bày thông tin tổng quan sâu rộng về Biến đổi khí hậu (BĐKH) và Hiệu ứng nhà kính (KNK), làm nổi bật thực trạng hiện tại và các nỗ lực toàn cầu trong việc đối phó với vấn đề này. Thông qua phân tích các số liệu quan trọng về khí nhà kính, cho thấy CO2 chiếm tới 76% tổng lượng khí nhà kính, CH4 chiếm 13%, N2O và SO2 chiếm 10%, và khí Fluorinated gases là 1%. Những con số này phản ánh sự mất cân bằng nghiêm trọng trong khí quyển và nhấn mạnh nhu cầu hành động khẩn cấp để giảm thiểu tác động của chúng đối với khí hậu toàn cầu và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Ông Quách Ngọc Thi trình bày tại Hội thảo

Ông Nguyễn Thành Trí – Giám sát kiểm soát chất lượng Chi nhánh Công ty TNHH MTV CADIVI Đồng Nai – CADIVI Đà Nẵng trình bày chuyên đề “Áp dụng MFCA giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí – nâng cao năng suất chất lượng” . Theo diễn giả việc áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến như MFCA – Hoạch tính chi phí dòng nguyên liệu (Material Flow Cost Accounting) trở nên cực kỳ quan trọng. Công ty luôn tuân thủ các Tiêu chuẩn Quốc gia và Tiêu chuẩn Quốc tế thông dụng như TCVN, IEC, AS, ISO 9001, ISO 45001, ISO 14001, ASRM, BS, … và đạt nhiều danh hiệu tiêu biểu.

Ông Nguyễn Thành Trí trình bày tại Hội thảo

Tham luận “Nâng cao năng suất chất lượng thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và áp dụng các hệ thống quản lý – công cụ (HTQL – CC) trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi” được Ông Tôn Ngọc Hà   – Phụ trách Hệ thống quản lý công cụ Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi trình bày tại Hội thảo. Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đã áp dụng công nghệ khoa học hiện đại, bao gồm việc sử dụng GPS để định vị, điều khiển và quản lý kỹ thuật canh tác và thu hoạch, cũng như chọn giống bằng chỉ thị sinh học phân tử. Những phương pháp này vừa nâng cao năng suất vừa đảm bảo nguyên liệu “Tươi – Sạch”. Đặc biệt, sản phẩm của Công ty được kiểm soát chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc tế FSSC 22000 và ISO/IEC 17025, kết hợp với việc áp dụng MFCA để phát triển bền vững, tạo ra mô hình khép kín và hướng tới kinh tế tuần hoàn.

Ông Tôn Ngọc Hà trình bày tại Hội thảo  

Bài tham luận “Áp dụng hệ thống quản lý nâng cao năng suất chất lượng” của Ông Vũ Huy Bình đã cho thấy Công ty Logistics Cảng Đà Nẵng đã được chuyên gia tư vấn AHEAD đề xuất triển khai mô hình hệ thống quản lý tích hợp, kết hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và ISO/IEC 27001:2013. Việc áp dụng thành công hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013, cùng với hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho doanh nghiệp. Cụ thể, điều này giúp cải thiện khả năng quản lý và bảo vệ thông tin quan trọng, bảo mật thông tin, kiểm soát rủi ro hiệu quả, giảm thiểu rủi ro pháp lý, và nâng cao niềm tin từ khách hàng cũng như đối tác.

Ông Vũ Huy Bình trình bày tại Hội thảo 

Trong phần bế mạc, TS. Ngô Quý Việt tổng kết một số điểm như sau (i) Hội thảo đã đưa ra những nhận định, nhận diện vấn đề, cơ hội và thách thức về năng suất chất lượng dưới góc độ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các bên liên quan; (ii) Với những khó khăn, thách thức đặt ra đòi hỏi có sự tham gia của nhiều chủ thể đặc biệt là vai trò của doanh nghiêoj và các bên tư vấn. Cuối cùng, TS. Ngô Quý Việt chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những ý kiến đóng góp cho Hội thảo.

TS. Ngô Quý Việt tổng kết lại buổi Hội thảo


  • -

TẦM NHÌN STAMEQ – BƯỚC NGOẶT QUAN TRỌNG ĐỂ THAY ĐỔI HOẠT ĐỘNG TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Sáng ngày 14/6/2024, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng  2 tổ chức Hội thảo chuyên đề tầm nhìn STAMEQ trong thời gian tới.

Tham dự buổi hội thảo chuyên đề có TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cùng gần 200 viên chức và người lao động tham dự bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy Ban TCĐLCL Quốc gia trình bày tầm nhìn STAMEQ

Theo TS. Hà Minh Hiệp, 5 trụ cột trong tầm nhìn STAMEQ để xây dựng nền tảng và phát huy tuyền thống STAMEQ trong 60 năm qua đã được đề ra.

Trong đó, đầu tiên là vấn đề tinh thần, khi chúng ta tiếp xúc và ứng phó công việc với tinh thần tốt thì chúng ta sẽ say mê và yêu công việc. Trong Ủy Ban đã đưa chương trình học tập chính trị để bồi dưỡng tinh thần, đạo đức cách mạng cán bộ đảng viên, đặc biệt là cán bộ đảng viên lãnh đạo. Với tinh thần cống hiến, chia sẻ, đồng hành, đồng thuận là phương thức rất quan trọng hướng đến mục tiêu chung của STAMEQ.

Thứ hai là con người, với cán bộ đảng viên xuất phát điểm là kỹ thuật, con người kỹ thuật không thể thiếu kiến thức. Chính vì vậy, cần xây dựng con người STAMEQ có tri thức, đặc biết rất muốn học tập. Học tập là công cụ để đi ra thế giới và giải quyết những khó khăn, chúng ta không thể sử dụng con người và tư duy cũ để giải quyết những thách thức mới của Hiệp định thương mại thế hệ mới, cũng như các vấn đề toàn cầu về phát triển bền vững.

VC-NLĐ Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2

Thứ ba là văn hóa, Ủy Ban là tổ chức có sự đa dạng về văn hóa và được kế thừa qua nhiều thế hệ. Chúng ta có sự đoàn kết và bản sắc riêng, khi tham gia các hoạt động bên ngoài, chúng ta luôn thể hiện là con người STAMEQ. Ủy Ban cũng đặt ra yêu cầu những văn hóa mới, đặt cạnh những văn hóa cũ đoàn kết, nỗ lực, cố gắng làm việc thì văn hóa mới là gì. Đó là văn hóa cải tiến, tinh thần cải tiến, tinh thần 5S, tinh thần Kaizen.

Thứ tư là hành động, chúng ta dám thay đổi những thứ cũ, dám thay đổi những gì là bất cập, dám điều chỉnh những chúng ta vừa ban hành nhưng bất cập, đó là những hành động rất tốt. Chúng ta dám nghĩ, dám làm, vậy làm thế nào để dám nghĩ, dám làm, như vậy tất cả mọi người phải chung tay thực hiện. Một số những phương thức đã được chọn lựa để thể hiện được hành động mang bản sắc của STAMEQ.

Thứ năm là sáng kiến, chúng ta chọn hạ tầng chất lượng quốc gia là con đường để STAMEQ củng cố, phát triển và đi ra thế giới. Hạ tầng chất lượng quốc gia gồm tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp, chính sách về thanh tra, kiểm tra, những vấn đề này sẽ tạo nên thể thống nhất và như vậy hạ tầng chất lượng quốc gia ở góc độ STAMEQ đã trở thành lõi của hạ tầng chất lượng quốc gia. Hạ tầng chất lượng quốc gia của Ủy Ban là những vấn đề xã hội quan tâm như là tiêu chuẩn về Halal, pin mặt trời, khí nhà kính… đây là những vấn đề cần hướng đến. Để triển khai hạ tầng chất lượng quốc gia chúng ta cũng cần triển khai các tổ công tác.

Tác giả: Nguyễn Lê Anh Tùng (Phòng TT&DVKH)

 


  • -

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2024

Sáng ngày 12/01/2024 tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (Trung tâm Kỹ thuật 2) số 02 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Kỹ thuật 2) đã tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức và người lao động năm 2023 và đưa ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Đến dự hội nghị có ông Hà Minh Hiệp – Bí thư Đảng ủy Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục và Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục: Vụ Đo lường, Vụ Tiêu chuẩn; Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Văn phòng Tổng cục; Viện Đo lường Việt Nam, cùng với Ban Lãnh đạo và gần 200 viên chức, người lao động của Trung tâm Kỹ thuật 2 tham dự.

Toàn cảnh Hội nghị

Sau khi Hội nghị xem phim về báo cáo kết quả hoạt động nổi bậc năm 2023, ông Nguyễn Phú Quốc – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật 2 nêu và phân tích một số thuận lợi, khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ của Trung tâm: Chiến tranh Nga – Ucraina, suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng; cạnh tranh khốc liệt trong ngành,… Tuy nhiên, với sự đoàn kết, thống nhất cao trong tập thể Lãnh đạo và toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm Kỹ thuật 2 vượt qua khó khăn hoàn thành 102% kế hoạch Tổng cục giao.

Ông Nguyễn Phú Quốc trình bày báo cáo tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị này, ông Nguyễn Phú Quốc thay mặt Lãnh đạo Trung tâm trình bày “Phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Trung tâm Kỹ thuật 2”, trong đó nhấn mạnh 10 nhiệm vụ trọng tâm:

– Tham gia và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục, phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch được giao;

– Kiện toàn cơ cấu tổ chức, điều lệ hoạt động và hoàn thành xây dựng VTVL; đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;

– Đẩy mạnh số hoá và chuyển đổi số;

– Hoàn thành 100% các dự án trung hạn;

– Nghiên cứu cải tiến Quy chế chi tiêu nội bộ;

– Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ Khoa học Công nghệ;

– Mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ và khai thác có hiệu quả các nguồn lực được đầu tư;

– Tập trung hỗ trợ Trung tâm Kỹ thuật Tây nguyên;

– Xây dựng tốt mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trong Trung tâm, giữa Trung tâm với các đơn vị trong Tổng cục và khách hàng, đối tác, cơ quan Quản lý Nhà nước,…

– Tiếp tục thực hiện 5S; xây dựng hình ảnh, văn hoá QUATEST 2.

Hội nghị cũng nhận được báo cáo tham luận liên quan đến hoạt động quản lý; các đề xuất, kiến nghị của đại diện Trung tâm Kỹ thuật Tây Nguyên (CTC), Khối Đo lường, Thử nghiệm đến Lãnh đạo Trung tâm, Lãnh đạo Tổng cục nhằm hoàn thiện công tác tổ chức quản lý và cung cấp dịch vụ của Đơn vị.

Ông Nguyễn Hữu Trung – Phó Giám đốc Trung tâm trình bày tham luận về “Một số giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 4 giai đoạn 2024-2025, tầm nhìn đến năm 2030”

Ông Tạ Ngọc Tú – Phó Giám đốc Trung tâm trình bày tham luận về “Định hướng mở rộng hoạt động Đo lường, Nghiệp vụ trong năm 2024”

Ông Đặng Tuấn Kiệt – Trưởng phòng Kỹ thuật 8, trình bày tham luận về “Hiệu quả sau khi sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ của các Phòng thử nghiệm”

Bên cạnh đó, Hội nghị nhận được các ý kiến trao đổi, chia sẻ, chỉ đạo của Lãnh đạo các Vụ về công tác: Tổ chức, Tài chính, Đo lường, Đánh giá sự phù hợp, … và mong muốn hỗ trợ hơn nữa cho Trung tâm trong thời gian đến.

Bà Trần Thị Tuyết – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính

Ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường

Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy

Ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục

Ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ông Hà Minh Hiệp – Bí thư Đảng ủy Tổng cục, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục đã đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể Lãnh đạo, viên chức và người lao động Trung tâm Kỹ thuật 2 trong năm 2023 và chỉ đạo một số nội dung:

– Các đồng chí Đảng viên cần tích cực nâng cao tinh thần nêu gương về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị, … cho toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm.

– Trung tâm Kỹ thuật 2 tiếp tục phát huy các buổi học tập, trao đổi thông tin, tập trung phát triển nguồn lực, đặc biệt là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, tư tưởng, lập trường cho Đảng viên và quần chúng, chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) cho viên chức, người lao động.

– Tập trung học tập, trao đổi, cầu thị những vấn đề mới, tăng cường cập nhật, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

– Quan tâm triển khai công tác 5S tại đơn vị, hướng đến xây dựng được ý thức tự giác của viên chức, người lao động.

– Đảng ủy, BGĐ Trung tâm tiếp tục quan tâm và nâng cao thu nhập cho VC-NLĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên phát triển.

Ông Hà Minh Hiệp – Bí thư Đảng ủy Tổng cục, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục

Ông Nguyễn Phú Quốc – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuât 2 cảm ơn và ghi nhận ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục và bổ sung vào phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 của Đơn vị.

Đại diện đoàn công tác Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tặng quà lưu niệm cho Trung tâm Kỹ thuật 2

Tác giả: Nguyễn Hồng Hạnh (Phòng TT&DVKH)

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2

🏢 Địa chỉ: 97 Lý Thái Tổ, quận Thanh Khê, tp Đà Nẵng, 02 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, tp Đà Nẵng & Khối 8, P. Tân An, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

☎ Điện thoại: (0236) 2621068

🌏 Website: www.quatest2.gov.vn


  • -

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 tổng vệ sinh và thực hành 5S

Hưởng ứng phong trào Tổng vệ sinh và thực hành 5S của Trung tâm Kỹ thuật 2. Sáng ngày 06/01/2024, toàn thể VC – NLĐ các đơn vị trong Trung tâm đã tích cực tham gia vệ sinh sạch sẽ các khu vực được giao.

Các đơn vị được phân công cùng nhau thực hiện Tổng vệ sinh các Khu vực sử dụng chung như: Khu vực khuôn viên, hành làng, lối đi, khu vực nhà xe, hội trường,..

Dưới đây là một số hình ảnh Tổng vệ sinh và Thực hành 5S của VC-NLĐ của Trung tâm Kỹ thuật 2:

Chương trình Tổng vệ sinh và Thực hành 5S diễn ra trong không khí vui vẻ, hăng say, VC-NLĐ nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ tại khu vực được phân công. Sau kiểm tra đánh giá, Tổ triển khai 5S đã ghi nhận và đánh giá cao ý thức trách nhiệm của toàn thể VC-NLĐ Trung tâm Kỹ thuật 2 nói chung, khuyến khích các đơn vị thường xuyên thực hiện 5S để duy trì môi trường làm việc XANH – SẠCH – ĐẸP.

Tác giả: Nguyễn Lê Anh Tùng (Phòng TT&DVKH) 

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2

🏢 Địa chỉ: 97 Lý Thái Tổ, quận Thanh Khê, tp Đà Nẵng, 02 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, tp Đà Nẵng & Khối 8, P. Tân An, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

☎ Điện thoại: (0236) 2621068

🌏 Website: www.quatest2.gov.vn

 


  • -

THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ THÁNG 12/2023

Hiện nay, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 đang có nhu cầu tuyển dụng với vị trí như sau:

1. Vị trí tuyển dụng:

– Nhân viên Thử nghiệm lĩnh vực Xăng, dầu, khí và Hóa vật liệu;

– Nhân viên Thử nghiệm lĩnh vực Điện, điện tử và Hiệu suất năng lượng;

– Nhân viên Thử nghiệm lĩnh vực Hóa lý;

– Nhân viên Kiểm định an toàn;

– Nhân viên Hỗ trợ Thử nghiệm lĩnh vực Sinh học (thời vụ 03 tháng).

(Chi tiết theo hình ảnh đính kèm bài viết).

Zalo
Zalo
Zalo

2. Địa điểm làm việc: Tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2, Số 02 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

3. Yêu cầu hồ sơ (01 bộ hồ sơ bằng bản cứng), gồm:

– Đơn xin việc (viết bằng tay);

– Sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương nơi đăng ký hộ khẩu;

– Giấy chứng nhận sức khỏe có thời hạn trong vòng 6 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ (theo Mẫu quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế);

– Các văn bằng chứng chỉ, bảng điểm kết quả học tập (Sao y chứng thực);

– Sổ Hộ khẩu, CMND/CCCD (Sao y chứng thực).

4. Hồ sơ gửi về Phòng Hành chính – Tổ chức, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 – Số 02 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng trước ngày 25/12/2023.

Mọi chi tiết xin liên hệ với chị Phạm Thị Nhung, Nhân viên Phòng Hành chính – Tổ chức, SĐT: 0935 595 699.

Lưu ý:

– Hồ sơ không đạt yêu cầu sẽ không liên hệ phỏng vấn; Không trả lại hồ sơ;

– Thông báo này được đăng tải trên Website: www.quatest2.gov.vn/tuyen-dung/.

Trân trọng./.

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2

🏢 Địa chỉ: 97 Lý Thái Tổ, quận Thanh Khê, tp Đà Nẵng, 02 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, tp Đà Nẵng & Khối 8, P. Tân An, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

☎ Điện thoại: (0236) 2621068

🌏 Website: www.quatest2.gov.vn


  • -

VAI TRÒ CỦA ĐO LƯỜNG TRONG THỜI ĐẠI 4.0

Nguyễn Phú Quốc – Giám đốc QUATEST 2 

Đo lường luôn là ngành khoa học quan trọng trong các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học kỹ thuật. “Bạn chỉ có thể sản xuất tốt những gì bạn có thể đo lường,” như câu nói nổi tiếng của Ngài Joseph Whitworth. Với việc đo lường tiến tới mức độ chính xác lượng tử và sự ra đời của Công nghiệp 4.0 và Internet vạn vật (IoT), đo lường sẽ đi về đâu?

Forbes định nghĩa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là lấy “những gì đã bắt đầu ở cuộc cách mạng thứ ba với việc áp dụng máy tính và tự động hóa, đồng thời nâng cao nó bằng các hệ thống thông minh và tự động được thúc đẩy bởi dữ liệu và máy học”.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, đo lường đóng vai trò thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển khoa học công nghệ, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, vật tư, năng lượng, bảo đảm an toàn sản xuất, bảo vệ sức khỏe và môi trường. Do đó, trang thiết bị đo lường ngày nay không chỉ đơn thuần phục vụ hoạt động đo đếm thông thường, mà còn tích hợp nhiều chức năng như truyền tín hiệu từ xa, đồng bộ với hệ thống và các trang thiết bị khác, … để tối đa mục đích và hiệu quả hoạt động.

Trước đây, đo lường đã có vai trò lớn trong điều khiển và tự động hoá. Ngày nay, đo lường còn đóng vai trò định lượng nhiều vấn đề mà cuộc sống yêu cầu như định lượng về thời gian làm việc, năng suất lao động, nhiên, nguyên liệu, vật tư tiêu hao, sản lượng, chất lượng, … , nhất là khi dữ liệu đang được đánh giá là nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, đo lường trong thời đại 4.0 còn đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu, thiết kế triển khai và là cầu nối cho sản xuất thông minh. Các nhà xưởng đang ngày càng được xây dựng theo hướng thông minh và hiệu quả với thiết kế và sản xuất được tích hợp vào dây chuyền sản xuất tối ưu, cung cấp sản phẩm theo các yêu cầu của thời gian thực. Một trong những lợi ích chính của tự động hóa đo lường trong sản xuất thông minh là khả năng thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực. Với hệ thống đo lường tự động, nhà sản xuất có thể giám sát và điều chỉnh quy trình sản xuất theo thời gian thực để đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.

Trong sản xuất công nghiệp, đo lường được sử dụng để cung cấp khả năng truy xuất nguồn gốc, độ chính xác và tính nhất quán của thiết bị đo lường trên toàn thế giới. Nó giúp cung cấp giá trị và ngăn ngừa sự khác biệt giữa các kết quả đo. Đo lường đặt ra khuôn khổ cho các phép đo đáng tin cậy và nhất quán theo thời gian và không gian. Đo lường giúp thúc đẩy việc cải tiến phương pháp và phương tiện đo lường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin khoa học và kỹ thuật, việc tiêu chuẩn hóa quốc tế các sản phẩm nói chung, máy móc, thiết bị và dụng cụ, phương tiện đo lường. Hoạt động đo lường sẽ cho phép chúng ta đạt được điều này bằng cách đánh giá sự phù hợp, hiệu suất và tính năng của mỗi bộ phận của sản phẩm cuối cùng. Nó sẽ nối kết nghiên cứu và phát triển với sản xuất thông qua một quá trình duy nhất có mức tiêu thụ năng lượng thấp và giảm tác động môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Để làm được điều này, ví dụ như các thiết bị đo thông minh được kết nối với môi trường hoạt động của chúng với thời gian thực thông qua việc sử dụng các cảm biến, điều khiển các thông số đo lường như nhiệt độ và áp suất, thông số, dữ liệu đo được tích hợp qua mạng thông tin toàn cầu liên tục, đo và hiệu chỉnh liên tục, … thực hiện điều này có thể thông qua các công nghệ tiên tiến, phần mềm và công nghệ thông tin cùng với sự phát triển của lượng tử mới, cảm biến sinh học và công nghệ nano.

Hệ thống đo lường thông minh (Đo lường 4.0) sẽ kết nối một số lượng lớn các cảm biến khác nhau, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống khác nhau vào một mạng đo lường thông minh, đảm bảo hiệu chuẩn được duy trì liên tục.

Đo lường cũng đóng vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế. Việc có sự kiểm soát về đo lường sẽ làm giảm bớt bất kỳ lợi thế thương mại hoặc hoạt động thương mại không công bằng nào. Điều này đảm bảo rằng các dụng cụ, phương tiện đo lường thương mại phù hợp với mục đích sử dụng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Không những thế, các hoạt động về đo lường cũng đang thay đổi hàng ngày. Ngoài việc thay đổi cả về định nghĩa đơn vị đo, thay đổi về độ không đảm bảo đo (càng ngày càng tốt hơn lên), còn sử dụng các phương tiện đo lường không tiếp xúc, chứng chỉ hiệu chuẩn số (Digital Calibration Certificate – DCC). Chứng chỉ hiệu chuẩn kỹ thuật số cung cấp thông tin kỹ thuật ở dạng máy có thể đọc được – một lợi thế khác biệt cho quy trình sản xuất và giám sát chất lượng.

Các tổ chứng đo lường lớn trên thế giới ngày nay đã và đang cùng nhau đưa các chứng chỉ có thể đọc được bằng máy và biểu tượng công nhận kỹ thuật số vào thực tế (như DakkS, PTB, …).

Các sản phẩm xuất sắc dựa trên một hệ thống phức tạp để đảm bảo chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng (được gọi là “hạ tầng chất lượng” – QI). Để đảm bảo chất lượng này được giữ nguyên giá trị trong thế giới kỹ thuật số, các công cụ cần thiết, ví dụ như chứng chỉ hiệu chuẩn, phải trở thành kỹ thuật số. Chứng chỉ hiệu chuẩn kỹ thuật số (DCC) có thể đọc được bằng máy nhằm phục vụ các bên liên quan muốn hỗ trợ nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi số và các tổ chức đo lường quốc tế đang nỗ lực phát triển các tiêu chuẩn thống nhất trên toàn thế giới trong lĩnh vực này.

Trong quá trình xây dựng và triển khai NQI (hạ tầng chất lượng quốc gia), một trong những mục tiêu đặt ra là cùng phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng hiện đại, đáp ứng nhu cầu về chuỗi giá trị tự động và liên kết với nhau và làm giảm chi phí. Báo cáo kết quả dạng kỹ thuật số và máy có thể đọc được, chẳng hạn như chứng chỉ hiệu chuẩn, là một thành phần quan trọng của việc này.

Với vai trò của Đo lường quan trọng như vậy, trong thời đại CN 4.0, đòi hỏi các cơ quan quản lý đến người tiêu dùng, các tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường và các cơ sở sử dụng phương tiện đo, sử dụng dịch vụ phải hướng đến số hoá và chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện. Chúng ta cần hướng đến việc cấp các kết quả đo lường dạng điện tử, hướng tới chứng chỉ số.

Do vậy, cần xác định các thách thức đối với đo lường ngày nay:

Trong thời đại Công nghiệp 4.0, hệ thống đo lường cũng cần phải cạnh tranh để nâng cấp, chuyển từ trạng thái hiện tại sang trạng thái mới nhất và nhanh nhất, duy trì các quy trình sản xuất cần thiết. Do đó cách vượt qua các thách thức sau:

(a) Đo lường trong quá trình cho CN 4.0 là một khái niệm dựa trên dữ liệu và quy trình hiện đại. Các công nghệ đo lường liên quan đến ý tưởng này là những công cụ mới nhất và chính xác nhất. Các kỹ năng cần thiết cho việc điều hành, phân tích và ra quyết định khi can thiệp của con người muốn trải qua nguồn lao động chuyên môn. Chi phí liên quan đến việc thuê nhiều người quan sát được giảm bớt trong khái niệm đo lường tự động mặc dù việc bảo trì làm tăng chi phí ở mức cao. Trong trường hợp này, năng lực sản xuất thấp không thể thay thế chi phí cho việc đo lường trong quá trình với các tiêu chuẩn CN 4.0.

(b) Các công ty luôn cạnh tranh vì lợi nhuận và sản xuất. Họ mong muốn tiếp cận ngày càng nhiều khách hàng và mở rộng phạm vi kinh doanh. Điều đó tạo nên khoảng cách giữa các công ty trong việc tích hợp đo lường. Ngày xưa là thời đại của sự phân chia và cạnh tranh về mặt vật lý mà giờ đây đang được chuyển đổi thành khoảng cách kỹ thuật số về tính toàn vẹn, bảo mật, kết nối. Việc che giấu bằng sáng chế và giá trị của sản phẩm đã cản trở chủ doanh nghiệp chia sẻ ngân hàng dữ liệu giữa các công ty trừ khi chính phủ cưỡng chế thực hiện điều đó. Các công ty hầu như không tích cực tạo thành một nguồn dữ liệu duy nhất cung cấp tất cả thông tin cho hoạt động sản xuất, lập kế hoạch, tìm nguồn cung ứng và kiểm tra. Mỗi công ty coi việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, duy trì giao thức thống kê và coi thông tin từ một nguồn khác là một phần tử của luồng kỹ thuật số. Mối quan hệ đối tác thắt chặt có khả năng phù hợp để khắc phục những trường hợp này miễn là họ đạt được lợi ích của mình. Cơ quan quản lý với một số mục tiêu chung có thể sử dụng cơ chế, chính sách nhằm loại bỏ những nguyên nhân mà trên đó tất cả các công ty và tổ chức có thể cùng nhau chia sẻ tất cả dữ liệu.

(c) Chuyên môn và trọng tâm của các cơ quan khác nhau dựa trên địa điểm, luật pháp, luật lao động, giao thức, v.v. cũng làm giảm khả năng kết nối của CN 4.0. Một vấn đề quan trọng đối với dữ liệu số để chia sẻ là bản chất của định dạng dữ liệu và tệp. Trong quá trình xử lý, phần mềm đo lường hỗ trợ trực tiếp, đọc và ghi tệp vào ngân hàng dữ liệu và lấy lại nguồn khi muốn. Việc kết nối giữa các nguồn dữ liệu, định dạng dữ liệu, phiên bản máy và đầu dò, ngôn ngữ và các đơn vị là một trở ngại lớn. Phần mềm lỗi thời, khả năng tương thích, ngôn ngữ và thiết bị có thể gây ra một vấn đề quan trọng trong việc đồng bộ hóa mà ngay cả ngày nay cũng không dễ giải quyết.

(d) Nhà sản xuất hướng tới sự hài lòng của con người để kiếm lợi nhuận. Sự hài lòng và hấp dẫn của con người là những vấn đề phức tạp và là vấn đề cần nghiên cứu và phân tích quy mô lớn. Văn hóa, tôn giáo, địa điểm, thời tiết, … là những dấu hiệu cho thấy sự hài lòng của con người. Quả thật, CN 4.0 có cơ hội xây dựng khả năng kết nối để có được sản phẩm lý tưởng cho từng khách hàng. Tuy nhiên, từ góc độ đo lường, việc thực hiện không hề dễ dàng. Các phép đo trong quá trình cũng phải chịu đựng điều tương tự để làm hài lòng con người.

(e) Mặc dù chúng ta đang nói về đo lường trong quá trình được tự động hóa hoàn toàn trong CN 4.0 nhưng vẫn cần có sự tham gia của con người. Việc giảm số lượng người quan sát có thể gây ra sự tàn phá không chỉ đối với một công ty mà còn đối với một nhóm công ty vì ngân hàng dữ liệu được chia sẻ. Việc phân tích và tính toàn vẹn của dữ liệu dựa trên yêu cầu của con người và chuyển đổi chúng thành các thuật ngữ sản xuất luôn cần con người.

(f) Sự thay đổi nhanh chóng của các ngành công nghiệp từ quy trình sử dụng nhiều lao động truyền thống sang các bước hoàn toàn tự động hóa và số hóa khiến rất nhiều lao động mất việc làm. Điều này có thể dẫn tới tình trạng thất nghiệp và bất ổn xã hội. Nếu người lao động mất đi kỹ năng, hệ thống sẽ không thể đảo ngược khi quá trình số hóa đang diễn ra nhanh chóng. Những người thất nghiệp sẽ vướng vào những tệ nạn khi bản đồ nghề nghiệp và nhu cầu sẽ thay đổi. Mối lo ngại về nó và vấn đề lao động gia tăng sẽ không còn là vấn đề nếu có đủ phạm vi để đảm bảo tỷ lệ việc làm cho cộng đồng.

Tóm lại, những vấn đề ngắn gọn này đã tổng hợp các triển vọng và thách thức của đo lường trong quá trình áp dụng cho CN 4.0. Kỷ nguyên hiện nay của sản xuất thông minh chắc chắn sẽ thay thế các hệ thống sản xuất hiện có. Thành công bây giờ sẽ được tính vào việc các nhà hoạch định chính sách có thể thích ứng với sự thay đổi một cách thông minh đến mức nào. Khái niệm đo lường được tìm thấy qua nghiên cứu này đã đề cập rằng những thách thức và cơ hội gắn liền với nó rủi ro về mạng và quản lý dữ liệu lớn sẽ là một vấn đề then chốt.

Theo Aristotle, không có xúc giác thì sinh vật không thể tồn tại. Tương tự như vậy, nếu không có thước đo thì xã hội văn minh không thể tồn tại. Tốc độ phát triển đo lường và hiệu quả của ứng dụng đo lường có thể đặc trưng cho trình độ văn minh của mỗi quốc gia.

Cuộc cách mạng công nghiệp Công nghiệp 4.0 đòi hỏi những thay đổi về chất trong phát triển đo lường.

Trong số các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên liên quan đến những thay đổi này là tìm kiếm giải quyết các thách thức đo lường liên quan đến phép đo đại lượng đa chiều (trong hầu hết các trường hợp, chúng là phi vật lý), cung cấp độ tin cậy của kết quả đo cũng như bảo mật và tối ưu hóa luồng kết quả đo khi số lượng dụng cụ đo ngày càng tăng.

Bởi vì những thay đổi này là thực tế nên việc tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế quy định các yêu cầu đặc biệt của Công nghiệp 4.0 đối với các phương pháp đo lường cũng như các dụng cụ và hệ thống đo lường là cần thiết.

Cuối cùng, chúng ta cần trả lời câu hỏi rằng: Vị trí của đo lường trong “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” như thế nào, liệu ngành CN 4.0 đang được thúc đẩy bởi sự phát triển trong đo lường hay sự phát triển của đo lường đang được thúc đẩy bởi CN 4.0./.

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2

🏢 Địa chỉ: 97 Lý Thái Tổ, quận Thanh Khê, tp Đà Nẵng, 02 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, tp Đà Nẵng & Khối 8, P. Tân An, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

☎ Điện thoại: (0236) 2621068

🌏 Website: www.quatest2.gov.vn

 

  • -

HỘI THẢO “QUẢN LÝ PTN VÀ ÁP DỤNG SI SỬA ĐỔI”

Ngày 24/11/2023, Hội Đo lường Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (QUATEST 2) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Quản lý Phòng thí nghiệm và Áp dụng SI sửa đổi” tại thành phố Đà Nẵng.

Thực hiện Chương trình hoạt động Hội Đo lường Việt Nam (ĐLVN) năm 2023, Hội ĐLVN đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (QUATEST 2) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Quản lý Phòng thí nghiệm và Áp dụng SI sửa đổi”. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 24/11/2023 tại Hội trường của QUATESTT 2, TP. Đà Nẵng.

Zalo
Zalo

Tới dự Hội thảo đại diện lãnh đạo các Tổ chức và Cơ quan: ông Vũ Khánh Xuân- Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam, ông Trần Quý Giầu- Vụ trưởng Vụ Đo lường Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Tạ Ngọc Tú – Phó Giám đốc QUATEST 2. Dự Hội thảo gồm các Ủy viên BCH Hội nhiệm kỳ V và hơn 60 đại biểu đến từ các PTN thuộc các Tổ chức khu vực miền Trung đã đăng ký/ hoạc và đã được chỉ định kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo & chuẩn đo lường.

Zalo
Chủ tịch Hội ĐLVN – ông Vũ Khánh Xuân phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo đã được cung cấp các tài liệu và nghe trình bày về các nội dung: Giới thiệu Hội Đo lường Việt Nam (tham luận của ông Bùi Quốc Thụ); Quản lý chuẩn đo lường và phương tiện đo trong hoạt động hiệu chuẩn, kiểm định (tham luận của ông Dương Quốc Thao); So sánh liên phòng về đo lường (tham luận của ông Trần Quý Giầu); Hướng dẫn áp dụng Hệ đơn vị quốc tế SI sửa đổi (tham luận của ông Trần Bảo) và Áp dụng chuyển đổi số (tham luận của ông Tạ Ngọc Tú).

Zalo
TS Bùi Quốc Thụ báo cáo tại hội thảo
Zalo
Phó CT, Tổng thư ký Hội ĐLVN – ông Dương Quốc Thao báo cáo tại hội thảo
Zalo
Ông Trần Quý Giầu- Vụ trưởng Vụ Đo lường Tổng cục TCĐLCL trình bày báo cáo
Zalo
TS Trần Bảo báo cáo chuyên đề tại hội thảo
Zalo
Ông Tạ Ngọc Tú – Phó Giám đốc QUATEST 2 trình bày tham luận

Thông qua Hội thảo các đại biểu đến từ các PTN đã đánh giá rất cao về các nội dung của các tham luận rất thực tế và nâng cao sự hiểu biết để triển khai áp dụng trong các PTN.

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2

🏢 Địa chỉ: 97 Lý Thái Tổ, quận Thanh Khê, tp Đà Nẵng, 02 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, tp Đà Nẵng & Khối 8, P. Tân An, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

☎ Điện thoại: (0236) 2621068

🌏 Website: www.quatest2.gov.vn


Call Now Button f8bet