TIN TỨC

  • -

QUATEST 2 PHỐI HỢP THỰC HIỆN KIỂM TRA THỰC PHẨM TẠI CÁC TRƯỜNG HỌC TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN HẢI CHÂU, ĐÀ NẴNG

QUATEST 2 PHỐI HỢP THỰC HIỆN KIỂM TRA THỰC PHẨM TẠI CÁC TRƯỜNG HỌC TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN HẢI CHÂU, ĐÀ NẴNG
         Hiện nay, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong học đường là vấn đề nổi cộm, được cả chính quyền địa phương và người dân quan tâm. Qua các vụ ngộ độc tập thể tại trường học ở Nha Trang, Hà Nội hay Quảng Nam gần đây đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ em.
        Thực hiện theo Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 06/03/2023 của UBND quận Hải Châu, từ ngày 13 đến ngày 23/03/2023, UBND quận Hải Châu đã tổ chức Đoàn kiểm tra y tế tại 29 trường gồm Tiểu học, Trung học cơ sở, Mầm non trên địa bàn quận.

Đại diện đoàn kiểm tra

        Theo đó, thành phần của Đoàn kiểm tra gồm Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục đào tạo quận Hải Châu và đại diện Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (QUATEST 2).
        Trong quá trình kiểm tra, đại diện của QUATEST 2 đã tiến hành lấy 08 mẫu thực phẩm tại bếp của 08 trường học để xét nghiệm các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả xét nghiệm 08/08 mẫu đều đạt yêu cầu chỉ tiêu xét nghiệm đề ra.

Ông Đoàn Ngọc Sinh (đại diện của QUATEST 2) đang hoàn tất biên bản lấy mẫu tại hiện trường.

Tác giả: Nguyễn Hồng Hạnh  – Phòng TT&DVKH

  • -

QUATEST 2 CUNG CẤP DỊCH VỤ KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT THIẾT BỊ AN TOÀN

Theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động phải được kiểm định thường xuyên theo tần suất nhất định để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.
Hiện nay, danh mục máy, thiết bị phải kiểm định thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý được quy định tại Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH , bao gồm một số thiết bị như: Nồi hơi, bình chịu áp lực, cần trục ô tô, cầu trục, cổng trục, pa lăng điện, xe nâng hàng, xe nâng người, thang máy điện, tời điện,…

Kiểm định kỹ thuật an toàn là gì?

Kiểm định kỹ thuật an toàn là hoạt động kỹ thuật thực hiện theo quy trình nhất định (gọi là quy trình kiểm định) nhằm đánh giá và xác nhận sự phù hợp về tình trạng kỹ thuật an toàn của đối tượng kiểm định theo quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật. Để đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, thi công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định bắt buộc các tổ chức, doanh nghiệp phải kiểm định máy móc, thiết bị với quy trình vận hành đảm bảo an toàn cho người lao động theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP , ngày 15/05/2016 của Chính phủ. Nghị định này cũng quy định rõ danh mục máy móc thiết bị nào phải kiểm định mới được phép đưa vào vận hành.

Một số hoạt động kiểm định an toàn của QUATEST 2:

Kiểm định thiết bị nâng – Cầu trục 30/5 tấn tại Xí nghiệp thủy điện Đăk Pring (Quảng Nam)

Kiểm định thiết bị nâng – Pa lăng xích kéo tay tại nhà máy thủy điện Phú Ninh (Quảng Nam)

Kiểm định thiết bị nâng – Cần trục bánh lốp (Ô Tô) tại Xí nghiệp Điện lực Thừa Thiên Huế

Kiểm định thiết bị nâng (Xe nâng Người) tại Xí nghiệp Điện lực Thừa Thiên Huế

Kiểm định thang máy điện tại Công ty TNHH phần mềm FPT Miền Trung

Kiểm định cổng trục tại Nhà máy thủy điện Đrây H’Linh, tỉnh Đắk Lắk


  • -

  • -

Bài tuyên truyền về công tác phòng, chống HIV/AIDS

Hiện nay, HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người và tương lai nòi giống con người Việt Nam. Đại dịch HIV/AIDS còn tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự, an toàn xã hội và đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Hiện nay, vẫn chưa có một loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh HIV/AIDS, vì vậy, biết cách tự phòng cho mình và cho cộng động cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết được coi như là một vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS một cách hiệu quả.

I. HIV/AIDS là gì?

HIV là một chữ viết tắt của “loại vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người”.

AIDS là chữ viết tắt của “hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải” ở người AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Trong giai đoạn này hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên người bệnh dễ mắc các bệnh như: nhiễm khuẩn, ung thư…

II. Triệu chứng

Có 04 giai đoạn nhiễm HIV:

1. Giai đoạn sơ nhiễm (còn gọi là thời kỳ cửa sổ)

Thời gian kéo dài từ 2 đến 6 tháng, cơ thể hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính (vì thế trong giai đoạn này dễ lây bệnh cho người khác nếu quan hệ tình dục không an toàn).

2. Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng

Thời gian từ 5 đến 7 năm cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Xét nghiệm (+) dương tính.

3. Giai đoạn cận AIDS

Vẫn không có biểu hiện đặc trưng, xét nghiệm (+) dương tính.

4. Giai đoạn AIDS

Biểu hiện các triệu chứng sau:

– Gầy sút (giảm trên 10% trọng lượng cơ thể).

– Sốt, tiêu chảy, ho kéo dài trên 1 tháng.

– Xuất hiện nhiều bệnh như: ưng thư, viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân.

– Người bệnh nhanh chống tử vong tùy theo điều kiện chăm sóc và điều trị. HIV/AIDS không phải là bệnh xã hội, mà là một căn bệnh thật sự không phải chỉ những người “xấu”, người dính vào tệ nạn XH mới nhiễm HIV, mà tất cả mọi người đều có thể nhiễm HIV, nếu không thực hiện các hành vi an toàn.

III. Các con đường lây truyền HIV/AIDS

1. Tình dục: Virus HIV có rất nhiều trong chất dịch sinh dục của người bị nhiễm. Do vậy, virus HIV có thể xâm nhập vào máu bạn tình qua cơ quan sinh dục. Việc sinh hoạt tình dục dù có giao hợp hay chỉ tiếp xúc cơ quan sinh dục đều có khả năng lây nhiễm.

2. Đường máu

HIV có rất nhiều trong máu người nhiễm. Do vậy việc dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ y tế không qua tiệt trùng với người nhiễm HIV, truyền máu của người nhiễm HIV đều làm cho bạn bị lây nhiễm HIV.

Riêng về ma túy, bản thân nó không sinh ra HIV nhưng người nghiện ma túy dễ dàng bị lây nhiễm HIV khi dùng chung bơm kim tiêm với bạn nghiện hoặc bơm kim tiêm tại tụ điểm bán thuốc.

3. Từ mẹ sang con

Tỷ lệ trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ những người mẹ bị nhiễm HIV là 25-30%. HIV có thể lây từ mẹ sang bé qua nhau thai khi bé trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh hoặc qua sữa mẹ khi mẹ cho con bú. Trẻ sơ sinh nhiễm HIV thường không sống được quá 3 năm.

IV. Cách phòng tránh

Dựa vào đường lây nhiễm HIV, có các biện pháp phòng sau:

1. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục

– Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng, không quan hệ tình dục bừa bãi.

– Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.

– Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV.

2. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu

– Không tiêm chích ma túy.

– Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.

– Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu,…

– Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV.

– Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,…

3. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con

– Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%, nếu đã có thai thì không nên sinh con.

– Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.

– Sau khi đẻ nếu có điều kiện thì nên cho trẻ dùng sữa bò thay thế sữa mẹ.

Có thể khẳng định, việc phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, của từng gia đình và mỗi cá nhân. Đối với sinh viên nói chung và sinh viên Trường Đại học Tây Bắc cần phải trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS; thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền về các tệ nạn xã hội; có lối sống lành mạnh, tự chủ trong các mối quan hệ với bạn bè; không sa vào những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm nhằm góp phần đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS

Bớt đi một ánh mắt kỳ thị là tăng thêm một tia hy vọng cho người nhiễm HIV/AIDS.


  • -

Nâng cao hiệu quả của hoạt động chứng nhận tại Việt Nam

Để quản lý hoạt động chứng nhận tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và Nghị định 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 sửa đổi bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành. Nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của các tổ chức chứng nhận đã đăng ký theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP trong thời qua và có đầy đủ thông tin để đề xuất định hướng quản lý các tổ chức chứng nhận trong thời gian tới, ngày 11/11, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Hội thảo Nâng cao hiệu quả của hoạt động chứng nhận.

Tham dự Hội thảo có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục; ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy, ông Đoàn Thanh Thọ – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế – Thanh tra, ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp, cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục và các tổ chức chứng nhận.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho biết: “Chứng nhận là hoạt động kinh doanh có điều kiện, trong quá trình hoạt động có những việc triển khai tốt, cũng có những việc làm chưa tốt, có cả những việc muốn làm tốt nhưng cơ chế chính sách điều kiện thực tiễn chưa hỗ trợ. Bên cạnh đó, hoạt động chứng nhận phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và chủ thể, trong đó có hai chủ thể tương tác rất chặt chẽ với nhau đó là tổ chức chứng nhận và các cơ quan quản lý nhà nước.

Chính vì vậy, hội thảo ngày hôm nay là dịp để các bên có thể trao đổi, thảo luận với mục đích thúc đẩy hoạt động chứng nhận ở Việt Nam có thể tốt lên, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã và đang gặp phải của cơ quan quản lý cũng như các tổ chức chứng nhận”.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy đã có những chia sẻ trong quản lý nhà nước về hoạt động chứng nhận. Theo bà Hương, quản lý nhà nước về hoạt động chứng nhận hiện nay được quy định tại hai Luật là Luật TC&QCKT và Luật CLSPHH. Hai luật này đều quy định các tổ chứng nhận phải thực hiện đăng ký lĩnh vực hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chứng nhận là hoạt động kinh doanh có điều kiện, được quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP và Nghị định 154/2018/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các tổ chức chứng nhận phải thực hiện các quy định về phương thức chứng nhận, về dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy quy định tại Thông tư 28/2012/TT- BKHCN, Thông tư 02/2017/TT-BKHCN, Thông tư 06/2020/TT- BKHKCN.

Cũng theo bà Hương, những thuận lợi hiện nay của hoạt động đánh giá sự phù hợp đó là tạo cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động của các tổ chức ĐGSPH tại Việt Nam và phục vụ quản lý nhà nước đối với SPHH nhóm 2;

Thứ hai là bước đầu chuẩn hóa năng lực và tạo cơ chế bình đẳng cho hoạt động của các tổ chức ĐGSPH; Thứ ba là định hướng phát triển cho hoạt động ĐGSPH phục vụ QLCL SPHH làm nền tảng cho phát triển kinh tế và hội nhập với thông lệ chung của hoạt động ĐGSPH trong khu vực và trên thế giới;

Thứ tư là tổ chức ĐGSPH đạt chuẩn mực quốc tế sẽ là nền tảng cho hoạt động kiểm tra, quản lý chất lượng SPHH trong nước, thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau về kết quả ĐGSPH giữa các nước trong khu vực, quốc tế; Thứ năm là đã xã hội hóa hoạt động ĐGSPH theo chủ trương của Đảng, Chính phủ. Hoạt động này đã giúp các doanh nghiệp kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu;

Thứ sáu là đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức quản lý chất lượng theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước, xác định trách nhiệm và phân công hợp lý giữa các Bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động đánh giá sự phù hợp cũng gặp không ít tồn tại và bất cập. Có thể thấy việc xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp như cạnh tranh về chi phí, thời gian đánh giá, thử nghiệm và cạnh tranh về năng lực của các chuyên gia.

Đồng thời, hiện nay đối với Chương trình chứng nhận mới (Scheme mới) sẽ gặp khó khăn liên quan đến cơ sở đào tạo chuyên gia đánh giá, kinh nghiệm đánh giá (20 ngày công) của chuyên gia. Bên cạnh đó, có tình trạng không đánh giá đầy đủ theo đúng yêu cầu của tiêu chuẩn nhưng vẫn cấp chứng chỉ, đặc biệt là liên quan đến chứng nhận sản phẩm; không thực hiện giám sát định kỳ theo quy định; cử chuyên gia đánh giá (CGĐG) không có năng lực (chưa được đào tạo CGĐG, không có code phù hợp), CGĐG chưa được phê duyệt, không phải là CGĐG trong hồ sơ nộp đăng ký hoạt động.

Cũng theo bà Hương, tồn tại hiện nay là lấy mẫu không đủ để thử nghiệm; thử nghiệm không hết chỉ tiêu theo quy định của tiêu chuẩn; Thử nghiệm tại tổ chức thử nghiệm chưa đăng ký theo quy định của pháp luật; Một số tổ chức chứng nhận “lách luật” cấp Giấy xác nhận/Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cơ sở; Không thông báo về cơ quan quản lý khi có sự thay đổi ảnh hưởng đến năng lực của tổ chức; Không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ theo quy định; Sử dụng Auditlog sai sự thật để chứng minh kinh nghiệm đánh giá khi đăng ký hoạt động chứng nhận; Không thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc cấp, cấp lại, mở rộng, thu hẹp phạm vi hoặc tạm đình chỉ, thu hồi GCN và quyền sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy; Không thực hiện đầy đủ theo quy trình, hướng dẫn do chính tổ chức chứng nhận ban hành; Thực hiện chứng nhận ngoài phạm vi đã đăng ký.

Trước những tồn tại và bất cập, bà Hương cũng đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên, trong đó, về hoàn thiện VBQPPL: Sửa đổi Luật TC&QCKT, sửa đổi Luật Chất lượng SPHH, sửa đổi Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP. Thứ hai là xây dựng Đề án phát triển Hạ tầng Chất lượng quốc gia (NQI): Xây dựng mô hình tổ chức chứng nhận quốc gia; quản lý chuyên gia đánh giá; Quản lý hoạt động đào tạo CGĐG; Thanh tra, kiểm tra; Thứ ba là triển khai thực hiện chuyển đổi số: Hình thành Hạ tầng số, hình thành Dữ liệu số về tổ chức chứng nhận, CGĐG, Cơ sở đào tạo, giảng viên; Xây dựng nền tảng số (iSTAMEQ). Thứ tư là đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp SXKD, người tiêu dùng.

Chia sẻ về thực trạng hoạt động chứng nhận tại Việt Nam, ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp cho biết, hiện nay tổ chức chứng nhận với số lượng nhiều, loại hình lĩnh vực đa dạng, cùng với đó năng lực không đồng đều dẫn đến những tồn tại như có sự khác nhau trong áp dụng pháp luật và tiêu chuẩn, đặc biệt là chứng nhận sản phẩm; Có sự cạnh tranh không lành mạnh.

Bên cạnh đó, gặp những khó khăn, bất cập về văn bản pháp luật: Có một số nội dung trong các văn bản pháp luật về quản lý tổ chức chứng nhận, thử nghiệm chưa nhất quán với Nghị định số 107/2016/NĐ-CP (ví dụ Nghị định số 62/2016/NĐ-CP về năng lực tổ chức thử nghiệm…); Không phải QCVN nào cũng có hướng dẫn về phân nhóm, lấy mẫu, trong khi các văn bản hướng dẫn (nếu có) không phải là VBPL; Thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động yêu cầu chi tiết đến từng tiêu chuẩn sản phẩm, đối tượng thử nghiệm gây tốn thời gian đăng ký bổ sung; VBQPPL chưa theo kịp thực tiễn nhu cầu phát triển của kinh tế, xã hội.

Về áp dụng văn bản của các cơ quan quản lý: Trong chứng nhận hợp quy có QCVN yêu cầu phải sử dụng phòng thử nghiệm được chỉ định, trong khi QCVN khác thì lại không yêu cầu như vậy (khoản 1 Điều 25 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định PTN phải được chỉ định khi phục vụ quản lý nhà nước); Cách thể hiện mẫu dấu hợp quy chưa thống nhất: có/không có số hiệu QCVN, năm hoặc số lần cấp, tên tổ chức chứng nhận. Về thực tiễn hoạt động chứng nhận: Năng lực thử nghiệm tại Việt Nam đôi khi chưa đáp ứng việc thử nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu theo yêu cầu của tiêu chuẩn trong khi doanh nghiệp có nhu cầu chứng nhận (hợp chuẩn).

Một số QCVN có yêu cầu thử nghiệm ở một số điều kiện không thích hợp với Việt Nam, ví dụ thử độ bền băng giá đối với ống nhựa, thử độ bền đâm xuyên, hấp thụ xung động MBH ở  -10oC…; Phần mềm 1 cửa điện tử còn thiếu ổn định, không đảm bảo sự thông suốt trong quá trình hoạt động; Chưa có hướng dẫn trong trường hợp  doanh nghiệp nhập SP đơn chiếc, không đủ mẫu để thử nghiệm.

Ông Dũng cũng đưa ra một số những kiến nghị để khắc phục những khó khăn, bấp cập trên, theo đó, về đăng ký hoạt động theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP: Điều chỉnh yêu cầu về cách chứng minh năng lực đối với các chương trình chứng nhận theo các tiêu chuẩn mới (chứng nhận HTQL) theo năng lực tương đương; Về phạm vi đăng ký: nên cấp đăng ký theo nhóm sản phẩm (tham khảo hệ thống phân loại theo HS, hệ thống phân loại sản phẩm Bắc Mỹ NAPCS…), không cấp theo phiên bản tiêu chuẩn; Đối với trường hợp đăng ký lại, đăng ký bổ sung: sử dụng cơ sở dữ liệu sẵn có của TCCN trong quá trình xem xét hồ sơ để giảm bớt số hồ sơ phải nộp.

 

Nên có quy định thống nhất về phân loại, lấy mẫu, mẫu dấu hợp quy đối với CNHQ; Cho phép chứng nhận hợp chuẩn một phần tiêu chuẩn (không đủ chỉ tiêu) với điều kiện không cấp dấu hợp chuẩn và ghi rõ chỉ tiêu được chứng nhận (hoặc kèm phụ lục). Căn cứ: dựa trên TCVN 7775:2008; Cho phép sử dụng PTN nước ngoài đã được công nhận theo ISO/IEC 17025; Tổng cục có các buổi làm việc với các Bộ ngành để thống nhất về quản lý tổ chức chứng nhận; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước (thanh tra, kiểm tra); Số hóa các hoạt động đăng ký lĩnh vực chứng nhận; Tăng cường tổ chức hội thảo để phổ biến các quy định mới với các TCCN, tổ chức hội nghị/đối thoại với các TCCN thường xuyên hơn.

Tại Hội thảo, cũng đã có phần thảo luận trao đổi giữa cơ quan quản lý với các tổ chức nhận nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Một số kiến nghị của tổ chức chứng nhận tại Hội thảo cũng đã được cơ quan quản lý giải đáp và một số kiến nghị được cơ quan quản lý ghi nhận, nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT và Luật Chất lượng SPHH.

                                                                                                                                                            Theo tcvn.gov.vn


  • -

Ngày Pháp luật Việt Nam: Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

Ngày 9/11 đã được Đảng và Nhà nước lựa chọn là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Cách đây 76 năm, ngày 9/11/1946 là thời khắc lịch sử trọng đại, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I thông qua.

Với ý nghĩa lịch sử đó, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

10 năm qua, Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Hiến pháp năm 1946 – bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ

Sau khi đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2/9/1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định việc xây dựng một bản hiến pháp dân chủ là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.

Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”.

Tháng 11/1945, Bản dự thảo được công bố cho toàn dân thảo luận. Hàng triệu người Việt Nam hăng hái tham gia đóng góp ý kiến cho Bản dự thảo với những nội dung mơ ước bao đời về độc lập, tự do. Và bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I thông qua ngày 9/11/1946 với sự nhất trí của 240/242 đại biểu.

Hiến pháp gồm 7 chương nói về chính thể nhà nước ta là nhà nước dân chủ cộng hòa, nghĩa vụ cơ bản của nhân dân Việt Nam, quy định tổ chức bộ máy nhà nước, đoàn kết toàn dân, bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân và xây dựng chính quyền vững mạnh.

Sự ra đời Hiến pháp năm 1946 là khẳng định mạnh mẽ về mặt pháp lý chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh (10 ngày sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ), bản Hiến pháp năm 1946 không được chính thức công bố nhưng những tinh thần và nội dung của Hiến pháp 1946 luôn được Chính phủ lâm thời và Ban Thường vụ Quốc hội áp dụng, điều hành đất nước. Tư tưởng lập hiến của Hiến pháp 1946 luôn được kế thừa và phát triển trong các bản Hiến pháp sau này.

Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

Ngày 9/11 với ý nghĩa trọng đại, mang tính biểu tượng sâu sắc đó, Đảng, Nhà nước đã lựa chọn là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Điều đó được ghi nhận trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012: “Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh rủi ro pháp lý do thiếu hiểu biết về pháp luật; là thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế hình ảnh một nước Việt Nam thượng tôn pháp luật; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.

Qua 10 năm tổ chức, Ngày Pháp luật Việt Nam dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân quan tâm hưởng ứng, được lan tỏa sâu rộng. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật đã có nhiều tiến bộ quan trọng.

Hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng đầy đủ, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch và thuận lợi; tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng hội nhập quốc tế. Những tiến bộ về công tác xây dựng, hoàn thện thể chế của Việt Nam được quốc tế ghi nhận.

Công tác phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật được thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Nhiều cuộc thi tìm hiểu về Hiến pháp và pháp luật đã thu hút được đông đảo người dân tham gia; các hoạt động đối thoại về chính sách, pháp luật giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp hay các chương trình, chuyên mục, trò chơi tìm hiểu pháp luật trên sóng phát thanh-truyền hình, phổ biến pháp luật thông qua mạng xã hội… đã giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng, tiện lợi.

Đặc biệt, qua hơn hai năm phòng, chống đại dịch COVID-19, việc tuyên truyền, phổ biến về cơ chế, chính sách phòng, chống dịch được triển khai kịp thời, rộng khắp, thiết thực, hiệu quả bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên tuyến đầu và tình nguyện viên đã không quản khó khăn, nguy hiểm để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chính sách, quy định pháp luật về phòng, chống dịch và tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.

Theo bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ra đời, nhận thức của cấp ủy, chính quyền về công tác này tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét. Nguồn nhân lực thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật dần dần hình thành và phát triển.

Ngoài ra, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật với các văn bản hướng dẫn thi hành, các đề án, chương trình mà Chính phủ ban hành, đã nhận được sự hưởng ứng của địa phương, các cấp, các ngành. Đặc biệt, một chủ thể vô cùng quan trọng là sự vào cuộc, ủng hộ của người dân trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trình độ dân trí, nhận thức, kiến thức, ý thức tuân thủ pháp luật đã được nâng lên rất nhiều.

Người dân không chỉ dừng ở biết, hiểu pháp luật, mà còn tự giác trong vấn đề tuân thủ pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đó là tác động vô cùng quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đời sống xã hội. Tính kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ đã được nâng lên. Vấn đề thượng tôn Hiến pháp và pháp luật đã thực sự thấm sâu và lan tỏa trong đời sống xã hội.

“Ngày Pháp luật” không chỉ là mô hình hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, mà còn là ngày hội toàn dân tìm hiểu pháp luật, chung sức vì sự hoàn thiện và hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.

Vì thế, ngày này trở thành sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một sự kiện có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Ngày Pháp luật nhắc nhở mọi người về trách nhiệm đối với xã hội, về ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi tổ chức, cá nhân để cùng chung tay xây dựng một nền pháp luật công bằng, dân chủ.

Nhà nước, xã hội và mỗi người dân cùng quyết tâm thực hiện thì Ngày Pháp luật sẽ luôn song hành với chúng ta không chỉ trong ngày 9/11 mà các ngày trong năm, tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ luôn hiện hữu qua hành vi của mỗi người, giúp xây dựng, củng cố vững chắc nền pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo TTXVN


  • -

Lễ xuất quân Đoàn Thể thao Trung tâm Kỹ thuật 2 tham dự Hội thao Chào mừng 60 năm thành lập ngành TCĐLCL

Sáng ngày 16/6/2022, tại Hội sở Trung tâm Kỹ thuật 2, số 02 Ngô Quyền, Sơn Trà, Đà Nẵng, Công đoàn Trung tâm Kỹ thuật 2 đã tổ chức Lễ Xuất quân đoàn VĐV Trung tâm Kỹ thuật 2 lên đường tham dự Hội thao Chào mừng 60 năm thành lập ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng diễn ra tại Hà Nội từ ngày 22 – 24/6/2022.
Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Phú Quốc, Đảng ủy viên, Giám đốc Trung tâm; Ngô Thị Như Loan, Đảng ủy Viên, Chủ tịch công đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm; Phan Quang Cảnh, Đảng ủy viên, ủy viên BCH Công đoàn.
 
Đoàn VĐV tham dự Hội thao có 24 thành viên tranh tài ở 03 bộ môn (Bóng bàn, Cầu lông và Bóng đá) do ông Dương Quang Hân làm trưởng đoàn.
 
Phát biểu tại Lễ xuất quân, ông Nguyễn Phú Quốc và bà Ngô Thị Như Loan ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của VĐV, đồng thời nhấn mạnh: đoàn thể thao Trung tâm Kỹ thuật 2 cần đoàn kết, khắc phục khó khăn, giữ vững kỷ luật, đem hết tinh thần, nghị lực thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, sáng tạo, trung thực góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp, tình đoàn kết giữa các đơn vị trong Tổng cục.
 

Thay mặt Đoàn Thể thao Trung tâm Kỹ thuật 2, ông Dương Quang Hân, Trưởng đoàn Thể thao bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới các cấp lãnh đạo cùng toàn thể VC-NLĐ đã luôn quan tâm, động viên, tạo niềm tin mạnh mẽ cho Đoàn.

Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, để tạo động lực và tiếp thêm tinh thần tự tin, quyết thắng, Công đoàn TTKT 2 cũng đã phát động phong trào ủng hộ kinh phí cho đoàn VĐV đi tham gia thi đấu.

 
Kính chúc Hội thao thành công tốt đẹp, kính chúc đoàn thể thao Trung tâm Kỹ thuật 2 sức khỏe, gặt hái được nhiều thành công.

  • -

Chi đoàn Trung tâm Kỹ thuật 2 ra quân “Chủ nhật xanh” và “Ngày thứ 7 tình nguyện”

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan thành phố Đà Nẵng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 tiến tới Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2022 – 2027 và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII và Hành trình “Đến với Di sản, Bảo tàng, các địa danh, di tích lịch sử cách mạng”. Sáng 28/5/2022, Chi đoàn Trung tâm Kỹ thuật 2 tổ chức cho các đoàn viên “Tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa”. Hoạt động nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên tìm hiểu về quá trình lịch sử từ những ngày đầu khi các chúa Nguyễn khai phá, xác lập chủ quyền cho đến nay giúp đoàn viên học tập, nghiên cứu, cảm nhận về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh đó kết hợp tổ chức ra quân “Ngày thứ bảy tình nguyện” dọn vệ sinh Trụ sở làm việc Trung tâm Kỹ thuật 2 tại 02 Ngô Quyền./.

Một số hình ảnh hoạt động:


  • -

Chi đoàn Trung tâm Kỹ thuật 2 tổ chức thành công Đại hội Chi đoàn Khóa X, nhiệm kỳ 2022 – 2024

Thực hiện Kế hoạch số 63-KH/ĐTN ngày 21/10/2021 của Ban Chấp hành Đoàn khối CCQ thành phố Đà Nẵng về việc “Tổ chức Đại hội Đoàn các cấp hướng tới đại hội đại biểu Đoàn TNCS HCM Khối các cơ quan thành phố Đà Nẵng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027”, sáng ngày 17/4/2022, tại Hội trường tầng 2, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (Trung tâm Kỹ thuật 2), Chi đoànTrung tâm Kỹ thuật 2 đã long trọng tổ chức Đại hội Chi đoàn nhiệm kỳ 2022 – 2024

Đại hội vui mừng chào đón sự tham dự của các đồng chí Tạ Ngọc Tú, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc; đồng chí Nguyễn Phú Quốc – Đảng ủy viên, Giám đốc; đồng chí Ngô Thị Như Loan, Đảng ủy viên, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc; đồng chí Nguyễn Hữu Trung, Đảng ủy viên, Phó Giám đốc;  đồng chí Bùi Thiên Vỹ – Bí thư Đoàn Khối các cơ quan thành phố cùng các đồng chí bí thư chi bộ Đo lường, Chi bộ Thử nghiệm

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Bùi Thiên Vỹ – Bí thư Đoàn Khối các cơ quan thành phố đã nhấn mạnh nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn là nhiệm vụ hàng đầu của công tác đoàn. Chi đoàn cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ mà Đảng ủy Trung tâm Kỹ thuật 2 giao; đẩy mạnh việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống làm việc thông qua các Nghị quyết, các quy định của Ngành; Đề ra các biện pháp thực hiện sáng tạo, cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình đơn vị, nhất là các mô hình, công trình thanh niên giải quyết những khâu khó, việc mới.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2022 – 2024 gồm 05 đồng chí; đồng chí Lê Mạnh Hùng giữ chức Bí thư Chi đoàn khóa X, nhiệm kỳ 2022-2024; đồng thời bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đoàn Khối cơ quan thành phố Đà Nẵng lần thứ VIII gồm 02 đồng chí.

Sau một thời gian làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết và đổi mới, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội Chi đoàn Trung tâm Kỹ thuật 2, nhiệm kỳ 2022-2024 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đại hội diễn ra trong thời điểm tuổi trẻ cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chào mừng Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII./.

 


  • -

Call Now Button